Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

05/05/2025 00:17

Phó Thủ tướng yêu cầu chung khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quán triệt theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ ký văn bản số 48 về việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Để tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại các Kế hoạch nêu trên, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Xác định rõ các vấn đề ưu tiên, cấp bách của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; rà soát tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan; 

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh kịp thời thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 192 ngày 19/2/2025 của Quốc hội. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (Ảnh: Hữu Thắng).

Bám sát các nội dung yêu cầu nhiệm vụ tại Quyết định số 608 ngày 15/3/2025, Quyết định số 758 ngày 14/4/2025, Quyết định số 759 ngày 14/4/2025, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ triển khai xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu chung khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Tổng Bí thư và quan điểm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tạo sự chủ động cho địa phương theo tinh thần: "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đối với những vấn đề xác định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần làm rõ cơ sở đề xuất bảo đảm những vấn đề này là những vấn đề cơ bản, quan trọng của Quốc gia, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Mô hình, vận hành của 11 đặc khu sau sắp xếp ra sao?

Căn cứ nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, yêu cầu: Không quy định tên bộ, ngành và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của bộ, ngành vào trong Luật (không phân quyền trực tiếp cho các Bộ trưởng tại Luật bảo đảm Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực, thực hiện phân công phạm vi quản lý Nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; 

Xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, tránh đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý).

Kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Nội vụ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.