Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã chính thức ban hành Thông báo 171/TB-VPCP 2025, trong đó nổi bật là quy định chính thức từ tháng 5, khi đi thực hiện các thủ tục hành chính, người dân được phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản VNeID mà không phải xuất trình giấy tờ bản cứng, sao y hoặc công chứng.
Điều này khiến nhiều người dân hiểu rằng, sắp tới đây, từ 1/7/2025, khi Luật Công chứng 2024 bắt đầu có hiệu lực, sẽ không còn hoạt động công chứng nữa và các loại văn bản giấy tờ không cần công chứng vẫn có hiệu lực và giá trị pháp lý, trong đó có cả hợp đồng mua bán nhà đất. Tuy nhiên, cách hiểu này là chưa chính xác.
Cần lưu ý rằng chứng thực khác với công chứng, do đó việc không yêu cầu nộp giấy tờ chứng thực vì đã tích hợp trên VNeID không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoạt động công chứng, đặc biệt là với các loại hợp đồng, giao dịch liên quan tới tài sản lớn như nhà đất, xe cộ…

Ảnh minh hoạ.
Hiện nay, không có Luật hay văn bản nào quy định danh mục giấy tờ bắt buộc phải công chứng nhưng vẫn có quy định các giao dịch bắt buộc phải công chứng hoặc giao dịch mà người dân tự nguyện yêu cầu công chứng.
Các giao dịch này được quy định cụ thể tại các Luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân & Gia đình…
Tại Luật Đất đai, hiện nay, khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định những giao dịch phải công chứng gồm:
- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn nhà đất.
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại nhà đất.
- Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
- Hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn mà một hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
- Văn bản thừa kế nhà đất.
Tại Luật Kinh doanh Bất động sản, hiện nay, khoản 4, khoản 5 Điều 44 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định:
4. Hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
5. Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng mà các bên tham gia giao dịch là cá nhân phải công chứng hoặc chứng thực.
Khoản 4 Điều 9 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định:
… trường hợp cá nhân bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng thì còn phải thực hiện công chứng, chứng thực.
Tại Luật Nhà ở, khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định các trường hợp sau buộc phải công chứng:
- Mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở.
- Văn bản thừa kế nhà ở
Trong lĩnh hôn nhân gia đình, hiện nay, trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, luật quy định một số trường hợp bắt buộc phải công chứng bao gồm:
- 2 bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn bằng văn bản có công chứng/chứng thực (văn bản thỏa thuận tài sản riêng).
- Thỏa thuận việc mang thai hộ bắt buộc phải được lập thành văn bản có công chứng.
- Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ: Việc ủy quyền này buộc phải lập thành văn bản có công chứng.
Như vậy có thể thấy, tất cả những giao dịch liên quan tới quyền tài sản, quyền con người đều được pháp luật quy định bắt buộc/nên thực hiện công chứng để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này.
Ví dụ như trường hợp khi đi mua bán đất, khi đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng xong cũng đồng nghĩa với việc giao dịch đã được công nhận, khi có tranh chấp và được yêu cầu chứng cứ, bên thiệt hại có thể sử dụng chính hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng ra Tòa để được bảo vệ quyền lợi.
Tuệ Minh