Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nghệ sĩ Mai Châu

26/05/2025 20:03

Hà NộiDiễn viên gạo cội Đức Lưu, Như Quỳnh tiễn đưa nghệ sĩ Mai Châu phim "Chị Dậu", trong tang lễ ngày 26/5.

Bà qua đời ở tuổi 98, ngày 24/5. Hai con trai, hai con gái tâm niệm lời dặn dò của bà lúc sinh thời: "Khi mất đi, mẹ muốn ảnh trên bia mộ phải thật đẹp, thật tươi, trên bia phải đề 'Diễn viên, Nghệ sĩ Ưu tú Mai Châu'. Mẹ tự hào về điều đó". Các con chọn tấm hình bà nở nụ cười khi mặc áo dài tím làm di ảnh.

Di ảnh nghệ sĩ Mai Châu.

Di ảnh nghệ sĩ Mai Châu.

Lễ viếng diễn ra với không khí trang nghiêm, không bi lụy, đúng như mong muốn của bà. Trong ký ức gia đình, nghệ sĩ là người mẹ, người bà giỏi giang, tần tảo. Chồng bà, Đại tá Vũ Kỳ Lân, thường xuyên vắng nhà. Một mình bà chăm sóc, nuôi dạy con cái qua chiến tranh, những giai đoạn khó khăn của đất nước. Bước vào thời kỳ Đổi mới, ngoài nghề diễn viên, bà còn kinh doanh chuỗi cửa hàng áo cưới Mai Châu, nổi tiếng những năm 1980 ở Hà Nội. Nhờ vậy, gia đình bà có cuộc sống ổn định.

Nghệ sĩ qua đời ở tuổi "xưa nay hiếm" nên nhiều bạn bè của bà không còn, chỉ có lớp đồng nghiệp đàn em đến đưa tiễn. "Thị Nở" Đức Lưu từng đóng chung bà Mai Châu phim Cô gái công trường (1960), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982). Các diễn viên ở nhờ người địa phương, làm giúp chủ nhà nhiều công việc. Nghệ sĩ Đức Lưu trông trẻ con, bà Mai Châu nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

"Khi đóng phim Cô gái công trường, chị Châu đã có chồng con, còn chúng tôi vẫn còn trẻ. Chị tháo vát, giỏi giang, như chị cả quán xuyến gia đình. Chị cũng nghiêm khắc góp ý cho chúng tôi nhiều điều trong công việc lẫn cuộc sống. Thời kỳ đoàn không có lương, phải tự ký hợp đồng biểu diễn để kiếm tiền nuôi nhau, chị Mai Châu là một trong những người được bầu chọn phụ trách, lo nhiều việc hậu cần", nghệ sĩ Đức Lưu nhớ lại.

Gia quyến nghệ sĩ Mai Châu.

Gia quyến nghệ sĩ Mai Châu.

Biên kịch Phạm Nhuệ Giang quen biết diễn viên Mai Châu từ khi còn nhỏ. Bố bà Giang - ông Phạm Văn Khoa - đạo diễn một số phim nổi tiếng nghệ sĩ tham gia như Tắt đèn, Làng Vũ Đại ngày ấy. Bà yêu quý nghệ sĩ Mai Châu bởi tính cách kín đáo, ít nói, giàu tình cảm.

"Khi bố tôi bệnh nặng, cô Châu thường xuyên đến thăm. Cô không bộc lộ nhiều cảm xúc, chỉ lẳng lặng quan tâm ông. Trên màn ảnh, cô đóng nhiều vai phản diện nhưng ngoài đời lại hồn hậu, hiền lành. Khi con cái bạn bè trong nghề kết hôn, cô đều tài trợ váy cưới. Hồi đó, cô có nhiều kiểu váy áo đẹp và mốt, đến nỗi chúng tôi còn ngại ngùng khi mặc", biên kịch Phạm Nhuệ Giang cho biết.

Diễn viên Bùi Bài Bình kém bà Mai Châu gần 20 tuổi, gọi bà là cô. Ông từng đóng con của nghệ sĩ trong một số vở kịch. Trong ký ức của ông, bà sống chân tình, chan hòa, nhất là với những diễn viên trẻ mới vào nghề. Như Quỳnh hợp tác bà Mai Châu trong một số phim video đầu tiên (dạng giống phim truyền hình sau này), trong đó có Gánh hàng hoa. Bà nhớ nữ nghệ sĩ trầm lặng ngoài đời nhưng nhiều năng lượng, nhiệt huyết trước máy quay.

Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân, biên kịch Nhuệ Giang, viếng tang cố nghệ sĩ.

Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân, biên kịch Nhuệ Giang, viếng nghệ sĩ.

Bà tên thật là Mai Thị Châu, sinh ra trong gia đình kinh doanh nổi tiếng và giàu có tại thành phố Vinh, Nghệ An. Thay vì nối nghề gia đình, bà chọn đi theo cách mạng, tham gia các tổ chức của phụ nữ, thanh thiếu niên và nhi đồng ở quê nhà.

* Ảnh: Đồng nghiệp viếng nghệ sĩ Mai Châu

Tháng 9/1945, bà nhập ngũ, đi khắp chiến trường liên khu 5 để biểu diễn, động viên tinh thần bộ đội. Năm 1946, bà được điều động sang đoàn kịch tuyên truyền của quân đội miền Nam, sau đó được chuyển ra quân khu 4, làm thư ký của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn. Năm 1947, bà vào "Đoàn kịch Tuyền tuyến" do ông Nguyễn Tuân là trưởng đoàn, trở thành một trong những người thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên xuất thân từ văn công chiến trường. Sau này, bà vào Đoàn Kịch Điện ảnh, tham gia lồng tiếng nhiều phim nước ngoài. Năm 1959, bà thành diễn viên của Xưởng Phim truyện Việt Nam.

Nghệ sĩ tham gia phim điện ảnh cách mạng Việt Nam đầu tiên - Chung một dòng sông (1959) và các phim Cô gái công trường (1960), Chị Tư Hậu (1963), Đi bước nữa (1964). Với vai Lệ Mỹ trong Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn (1966), bà khắc họa thành công một nữ gián điệp xinh đẹp, ngoan cường.

Giai đoạn hoàng kim của điện ảnh cách mạng những năm 1970-1980, bà đóng khoảng 30 vai diễn lớn nhỏ trong các phim điện ảnh, truyền hình, có nhiều tác phẩm trở thành tư liệu kinh điển trong lịch sử Xưởng Phim truyện Việt Nam.

Vai nổi bật của bà là vợ Nghị Quế - một người mưu mô, đầy thủ đoạn trong phim Chị Dậu. Nhân vật ấn tượng đến mức từ đó về sau, Mai Châu liên tiếp được giao các vai phản diện như Phó Đoan (phim Sao Tháng Tám), vợ Bá Kiến (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Hoàng Thái Hậu (phim Đêm hội Long Trì).

Ngoài diễn xuất, bà trở thành đạo diễn lồng tiếng từ năm 1956, tham gia các chương trình kịch truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Diễn viên nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1996.

Biên kịch Hồng Ngát đọc điếu văn tiễn biệt nghệ sĩ: "Với bà, có một điều quý giá hơn tất cả, đó là tình cảm yêu mến, sự quan tâm và ghi nhận của khán giả, sự kính trọng của những người làm nghề".

Trích đoạn phim 'Chị Dậu'
 
 

Nghệ sĩ Mai Châu (vai bà Nghị Quế) trong trích đoạn chị Dậu bán con, bán chó, phim "Chị Dậu", năm 1981. Video: VFS

Hà Thu
Ảnh: Hoàng Giang