Chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2025

26/05/2025 08:30

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 7 nhóm chưa từng hoặc chưa được đề cập đầy đủ quyền lợi theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (còn hiệu lực đến ngày 30/6/2025).

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Nhà nước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm sau:

Thứ nhất, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ. Đây là lực lượng lao động phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế.

Thứ hai, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng lương, bao gồm các chức danh như thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước hoặc phần vốn doanh nghiệp tại các công ty và các chức danh quản lý được bầu khác... nếu không nhận lương.

Thứ ba, người lao động làm việc không trọn thời gian. Đây là những người làm việc theo hình thức bán thời gian, với tiền lương hằng tháng đạt mức tối thiểu phải đóng bảo hiểm xã hội (bằng hoặc cao hơn mức lương đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu).

Thứ tư, người lao động có "hợp đồng" không mang tên hợp đồng lao động nhưng có tính chất của quan hệ lao động.

Thứ năm, lực lượng dân quân thường trực (lực lượng dân quân tự vệ hoạt động dài hạn tại địa phương).

Thứ sáu, người hoạt động không chuyên trách cấp xã (xã, phường, thị trấn).

Thứ bảy, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2025- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Trước đây, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu có nhu cầu thì chủ hộ kinh doanh cá thể có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy nhiên, từ 1/7, căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, ngoài việc đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thì chủ hộ kinh doanh cũng thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điểm d khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024 quy định căn cứ đóng BHXH như sau: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Đồng thời, căn cứ Điều 32 và điểm a, b khoản 4 Điều 33 Luật BHXH 2024 quy định tỉ lệ đóng BHXH bắt buộc như sau:

3% vào quỹ ốm đau và thai sản

22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chủ hộ có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần tuỳ theo nhu cầu.

Như vậy, chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại điểm đóng. Mức đóng hàng tháng dựa trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Mức tham chiếu ≤ Mức tiền lương chủ HKD phải đóng ≤ 20 lần mức tham chiếu

Do đó, mức đóng thấp nhất của chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH hàng tháng là 25% tức 585.000 đồng.

Khoản 13 Điều 141 Luật BHXH 2024 cũng quy định về mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 như sau: Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng, do đó, mức tham chiếu quy định tại Luật BHXH 2024 sẽ là 2.340.000 đồng.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Thanh Niên)