Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu rõ:
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do VCCI công bố ghi nhận nhiều kết quả tích cực như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tiếp tục được duy trì ở mức cao; minh bạch thông tin được nâng cao; thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn; chất lượng lao động có chuyển biến tích cực; tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tới tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp đã lạc quan trở lại; tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư xanh tăng lên, cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam đang mang lại những kết quả rõ rệt...
Tuy nhiên, PCI 2024 cũng cho thấy xu hướng chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại; tính năng động của chính quyền địa phương suy giảm; khó khăn về tiếp cận đất đai gia tăng; doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng quy mô sản xuất kinh doanh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục đối diện với nhiều thách thức mới, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu ngay từ đầu năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu sâu báo cáo PCI và PGI để có giải pháp khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần chấn chỉnh thái độ phục vụ trong cơ quan hành chính, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là hành vi gây khó dễ, nhũng nhiễu, gợi ý chi phí không chính thức. Các đơn vị phải rà soát, vận hành đường dây nóng hiệu quả, xử lý nhanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến chi phí bất hợp lý. Đẩy mạnh cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo như chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào lĩnh vực như: thuế, hải quan, xây dựng, môi trường, tiếp cận điện năng,…
Triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững; đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các vị trí kỹ thuật chuyên môn và quản lý giám sát thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp.
Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động, tận tụy giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuyên truyền để các doanh nghiệp không thao túng, trục lợi chính sách, lợi dụng, làm tha hóa cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết từ chối trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan hành chính nhà nước; phản ánh trung thực, kịp thời đến đường dây nóng của các bộ, ngành, địa phương trong trường hợp bị gây khó khăn, gợi ý trả chi phí không chính thức.
Doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm – dịch vụ mới; cơ cấu lại hoạt động một cách thực chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025.
Đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ; chủ động nắm bắt, phản ánh khó khăn; thực hiện nghiên cứu độc lập, đề xuất cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời phối hợp với các cơ quan triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền theo quy định.
PV