Hành trình truy vết nguy hiểm, cam go kéo dài hơn 4 tháng
Tháng 2/2025, từ một thông tin bất thường trên không gian mạng, Công an tỉnh Điện Biên lần ra dấu vết của một tổ chức tội phạm công nghệ cao đang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào).
Đường dây do Hoàng Văn Trung (31 tuổi, trú tại Quảng Hòa, Cao Bằng) cầm đầu, móc nối với các đối tượng người nước ngoài, lập ra sàn giao dịch vàng ảo “ATFX” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm công dân Việt Nam.
Nhận định đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố xuyên quốc gia, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức và được điều hành từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đầu tháng 6/2025, Công an tỉnh Điện Biên xác lập chuyên án do Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm triệt phá toàn bộ đường dây trên.


Đại tá Vũ Văn Đấu, Giám đốc công an tỉnh trực tiếp xét hỏi các đối tượng và kiểm tra tang vật, kịch bản lừa đảo thu giữ được trong chuyên án (Ảnh: Công an Điện Biên).
Từ Điện Biên, hành trình truy vết kéo dài hơn 4 tháng xuyên biên giới với nhiều hiểm nguy, cam go.
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Truy vết tội phạm trên không gian mạng ở địa bàn Tam Giác Vàng là thử thách rất lớn. Đối tượng liên tục đổi vị trí ẩn náu, di chuyển qua nhiều tuyến biên giới hở, sử dụng các ứng dụng mã hóa để trao đổi nội bộ. Muốn bắt quả tang, buộc chúng tôi phải cử trinh sát bám địa bàn dài ngày, phối hợp từng bước với công an nước bạn để nắm quy luật di chuyển, sơ đồ hoạt động và địa chỉ lưu trú thực tế của từng nhóm nhỏ.”

Tang vật bị thu giữ (Ảnh: Công an Điện Biên).
Tháng 6/2025, khi lực lượng chức năng nước bạn mở đợt truy quét tại khu vực biên giới, nhóm tội phạm lập tức rút sâu vào trung tâm khu vực Tam Giác Vàng, cất giấu toàn bộ thiết bị điện tử và lên kế hoạch bỏ trốn sang Campuchia theo nhiều hướng để tránh sự phát hiện.
Tình hình trở nên căng thẳng vào đầu tháng 7/2025, một nguồn tin quan trọng từ trinh sát bí mật báo về Ban chuyên án: nhóm cầm đầu đang lên kế hoạch chia nhỏ lực lượng, rút khỏi Tam Giác Vàng bằng nhiều hướng. Đây được xem là nút thắt chiến lược buộc Ban chuyên án phải đưa ra quyết định quan trọng: điều chỉnh kế hoạch phá án sớm hơn dự kiến, huy động tổng lực, đánh đòn phủ đầu nhằm chặn đứng ý đồ bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ của các đối tượng.
Hai trinh sát dày dạn kinh nghiệm được cử sang đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, phối hợp Công an tỉnh Bò Kẹo, trực tiếp khảo sát thực địa, xây dựng sơ đồ bố trí đối tượng, xác lập các điểm phá án then chốt.
Từ ngày 4 - 8/7, các lực lượng được huy động tổng lực để phá án. Gần 200 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Lào, triển khai đồng loạt nhiều mũi trinh sát.
Phương án “gọng kìm” được kích hoạt, khóa chặt mọi hướng thoát thân của các nhóm tội phạm. Từng vị trí, từng nhóm mục tiêu được xác định rõ, phối hợp hành động theo thời điểm thống nhất, đảm bảo nguyên tắc: không để bất kỳ mắt xích nào lọt lưới, không để chúng kịp phân tán hoặc cảnh giới cho nhau rút lui.
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm chia sẻ: “Thông tin trinh sát thời điểm đó như một cú hích chiến thuật. Chỉ cần chậm một nhịp, toàn bộ tổ chức có thể tan rã, chứng cứ biến mất. Chúng tôi phải hành động quyết đoán, chính xác và hiệp đồng tuyệt đối với công an nước bạn để siết chặt vòng vây trong thời gian ngắn nhất.”
Bắt 74 đối tượng trong chưa đầy 24 giờ, thu giữ lượng tang vật khổng lồ
12h30' ngày 5/7, sau nhiều tháng mật phục, thu thập chứng cứ, giờ G đã điểm. Từ trung tâm chỉ huy ở Điện Biên, Ban Chuyên án 625T phát lệnh tổng tấn công.
Tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào), 2 mũi trinh sát gồm 58 cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam và Lào đồng loạt kiểm tra, khám xét 2 điểm nghi vấn, nơi được xác định là “tổng hành dinh” của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.

Các đối tượng bị Công an Điện Biên di lý từ Lào về Việt Nam (Ảnh: Công an Điện Biên).
Kết quả: 45 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ, trong đó có 14 người Trung Quốc và 31 người Việt Nam. Đối tượng cầm đầu Hoàng Văn Trung bị khống chế khi đang ẩn náu trong một quán bar giữa lòng đặc khu.
Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ lượng tang vật khổng lồ phục vụ cho hoạt động phạm tội: 233 điện thoại di động, 292 máy tính All-in-One, 36 bộ máy tính để bàn, hàng nghìn sim Lào, máy chiếu, thiết bị điện tử…
Đặc biệt, hai thùng carton lớn chứa hàng trăm sổ tay, tài liệu, mỗi trang là một kịch bản lừa đảo được dàn dựng tỉ mỉ: từ tiếp cận, làm quen đến thao túng tâm lý và chiếm đoạt tài sản nạn nhân.
Cùng thời điểm, tại sân bay Thủ đô Viêng Chăn, một tổ công tác khác của Công an Việt Nam phối hợp với Cơ quan thường trú Bộ Công an tại Lào và các đơn vị nghiệp vụ nước bạn đã kịp thời bắt giữ 14 đối tượng (gồm 13 người Việt, 1 người Trung Quốc) đang làm thủ tục bay sang Phnom Penh, Campuchia nỗ lực trốn thoát trong phút chót đã bị chặn đứng.
Trong khi đó, tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), thêm một mũi công tác khác tiếp tục khép chặt vòng vây. 15 đối tượng bị bắt khi đang trên đường di chuyển bằng ô tô từ Lào về Việt Nam để tìm cơ hội vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ.
Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, 74 đối tượng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia bị bắt giữ (trong đó có 59 đối tượng người Việt Nam, 15 đối tượng người Trung Quốc).