Phương hướng nhân sự Ðại hội XIV của Ðảng: Chọn cán bộ không chỉ bằng hồ sơ

Công tác nhân sự Ðại hội XIV được Ban Chấp hành Trung ương xác định là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về những điểm mới đáng chú ý trong phương hướng công tác nhân sự Ðại hội XIV, cũng như yêu cầu đặt ra nhằm nâng tầm công tác cán bộ trong giai đoạn mới.

Yêu cầu đặc biệt về công tác nhân sự

Công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng là nội dung đặc biệt hệ trọng, được nhiều người quan tâm. Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại Hội nghị Trung ương 12 nhấn mạnh, đây là yếu tố then chốt quyết định thành công nhiệm kỳ mới. Ông nhìn nhận thế nào về yêu cầu này?

Đại hội nào, Đảng ta cũng xác định công tác nhân sự là khâu “then chốt”. Ở nhiệm kỳ này, với rất nhiều vấn đề mới đặt ra và yêu cầu đổi mới toàn diện, công tác cán bộ càng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tại Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIV là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều cán bộ mới được bổ nhiệm, quy hoạch chưa lâu nhưng đã phải kiểm điểm, thậm chí bị kỷ luật. Ngay ở Hội nghị Trung ương lần thứ 12, nhiều cán bộ cũng bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả các cán bộ đang là Ủy viên Trung ương Đảng. Đây là bài học rất lớn để các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định nhân sự kỹ lưỡng chặt chẽ hơn. Nếu chúng ta làm tốt công tác nhân sự, không chỉ lựa chọn được những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, mà còn hạn chế được rủi ro sai phạm, tổn thất cho bộ máy.

Phương hướng nhân sự Ðại hội XIV của Ðảng: Chọn cán bộ không chỉ bằng hồ sơ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Một điểm nhấn trong công tác nhân sự lần này được Tổng Bí thư nêu là xử lý hài hòa giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; đề cao hiệu quả, sản phẩm công tác, sự cống hiến của cán bộ. Điều này có ý nghĩa và sự khác biệt như thế nào so với các nhiệm kỳ trước, thưa ông?

Đây là bước chuyển cực kỳ quan trọng và cần thiết trong công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ mới. Lâu nay, khi đánh giá, lựa chọn, quy hoạch cán bộ, chúng ta hay nặng về lý lịch, bằng cấp, chuyên môn đào tạo. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều người được đào tạo bài bản nhưng lại không phù hợp với vị trí công tác thực tế, không phát huy được năng lực. Ngược lại, một số người, dù bằng cấp không cao, không nhiều, nhưng nhờ trưởng thành từ cơ sở, hiểu thực tiễn nên khi làm lãnh đạo địa phương phát huy hiệu quả cao. Điều đó cho thấy, thực tiễn chính là thước đo phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách rõ ràng nhất. Cán bộ phải được đo bằng những gì họ đã làm được, chứ không chỉ bằng những gì họ có trong hồ sơ. Khi đưa vào thước đo này, sẽ sàng lọc được người làm được việc, loại bỏ tình trạng “nói hay, làm dở”.

“Ðánh giá cán bộ không thể chỉ dựa vào hồ sơ lý lịch, hay các báo cáo thành tích, mà phải căn cứ vào những gì cán bộ đã làm được trên thực địa, trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Phải xem xét cả quá trình đồng hành và kết quả cuối cùng mà người cán bộ đó tạo ra cho tổ chức, cho nhân dân, cho địa phương. Ðó mới là thước đo sát thực nhất về năng lực, bản lĩnh và phẩm chất chính trị”.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh , nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Cán bộ qua “lửa thử vàng”

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp vừa qua phải chăng cũng là “phép thử” quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ diện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, thưa ông?

Đúng thế! Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp... đã tạo ra “phép thử” rất rõ ràng đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý. Nơi nào, người đứng đầu có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, làm bài bản, có kế hoạch, có lộ trình, có sự đồng thuận trong hệ thống và nhân dân, nơi đó bộ máy sau sắp xếp vận hành trơn tru, hiệu quả rõ rệt. Ngược lại, nơi nào, để mất đoàn kết, bộ máy không hoạt động tốt thì chứng tỏ người đứng đầu chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm. Từ thực tế đó cho thấy, đánh giá cán bộ không thể chỉ dựa vào hồ sơ lý lịch, hay các báo cáo thành tích, mà phải căn cứ vào những gì cán bộ đã làm được trên thực địa, trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Phải xem xét cả quá trình đồng hành và kết quả cuối cùng mà người cán bộ đó tạo ra cho tổ chức, cho nhân dân, cho địa phương. Đó mới là thước đo sát thực nhất về năng lực, bản lĩnh và phẩm chất chính trị.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển động nhanh, đổi mới thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, kiến tạo động lực phát triển mới, đội ngũ cán bộ càng phải có khả năng thích ứng, đổi mới tư duy, triển khai công việc với hiệu quả thực sự. Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới phải dựa vào sản phẩm công việc, vào kết quả cụ thể chứ không thể dựa vào cảm tính hay các yếu tố hình thức. Đây chính là cách để nâng tầm công tác cán bộ, góp phần quyết định thành công cho nhiệm kỳ mới của Đảng và sự phát triển của đất nước.

Yêu cầu “kép” trong công tác nhân sự

Tổng Bí thư yêu cầu việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Theo ông, làm sao để không bỏ sót nhân tố này?

Về nguyên tắc, công tác cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương được thực hiện rất bài bản, khoa học, chặt chẽ: từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến luân chuyển thực tiễn và sàng lọc qua các lớp “nguồn” của Trung ương. Tuy nhiên, lựa chọn cán bộ, nếu chỉ rập khuôn theo quy hoạch mà không quan sát thực tế thì dễ bỏ sót người tài, có năng lực nổi trội. Có những cán bộ trong lúc quy hoạch thì chưa nổi bật, nhưng sau vài năm trải nghiệm thực tiễn đã bộc lộ rõ năng lực, sở trường, cần có cơ chế mở để lựa chọn họ. Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh điều này cũng chính là nhằm khuyến khích các cấp ủy, người đứng đầu mạnh dạn giới thiệu những người thật sự có năng lực nổi trội vào Trung ương, kể cả chưa có trong quy hoạch.

Ngoài việc không bỏ sót người tài thì việc không để “lọt” những người có vi phạm, dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực cũng là vấn đề cần được quan tâm, thưa ông?

Khi phát biểu tại Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tiễn những nhiệm kỳ gần đây cho thấy, có nhân sự sau khi “lọt” vào Ban Chấp hành Trung ương rồi mới phát hiện ra có vi phạm từ trước. Điều này làm mất cán bộ, khiến bộ máy bị khuyết, phải bổ sung gấp, tạo ra độ trễ và khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Không chỉ tổn thất về nhân lực, hệ quả lớn hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khi một người vừa được tín nhiệm giao trọng trách đã lập tức bị xử lý kỷ luật.

Để khắc phục tình trạng đó, cần làm tốt khâu thẩm tra nhân sự, mở rộng kênh giám sát trong Đảng, trong Nhân dân. Đồng thời phải siết lại trách nhiệm của tập thể, cá nhân giới thiệu, bổ nhiệm. Đây là lúc phải nâng tầm toàn diện, từ quan điểm đến cách làm.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://www.thuonghieudoanhnhan.net/phuong-huong-nhan-su-dai-hoi-xiv-cua-dang-chon-can-bo-khong-chi-bang-ho-so-a50879.html