Đề xuất phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản lên 7 tháng, được hỗ trợ về nhà ở xã hội

Bộ Y tế đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.

Bộ Y tế đang dự thảo Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân số; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

Bộ Y tế cho biết, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo (nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.

Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức: Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống - vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (103-107); năm 2015 là 112,8, năm 2024 là 111,4. Như vậy, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15-49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia... Chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số, dân số già; dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế. Chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ Y tế cho biết, từ năm 2016 đến nay nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển còn thấp chưa tương xứng với nhu cầu. Giai đoạn 2011-2015 là khoảng 740 tỷ/năm, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn dưới 360 tỷ/năm. Năm 2021 đến nay, sau kết thúc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn 2021-2023, mặc dù nhu cầu thực tế trung bình lên đến 800 tỷ đồng/năm, nhưng địa phương chỉ bố trí được khoảng 95 tỷ đồng/năm và Trung ương chỉ bảo đảm được khoảng 25 tỷ đồng/năm (chỉ đáp ứng 15% nhu cầu).

Đề xuất phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản lên 7 tháng, được hỗ trợ về nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Đề xuất phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản lên 7 tháng, được hỗ trợ về nhà ở xã hội (ảnh minh họa).

Dự thảo luật đề xuất quy định quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; các biện pháp về duy trì mức sinh thay thế.

Cụ thể, dự thảo đề xuất cho phép cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh (Khác với Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2008).

Đề xuất quy định biện pháp duy trì mức sinh thay thế gồm:

- Định kỳ Chính phủ công bố tình trạng mức sinh để chính quyền địa phương xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp. Trường hợp mức sinh của một số địa phương xuống mức rất thấp, Chính phủ báo cáo, đề xuất với Quốc hội có biện pháp can thiệp kịp thời.

- Cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 02 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng (sửa đổi khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019; các trường hợp khác áp dụng theo quy định hiện hành).

- Cho phép phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ (bổ sung đối tượng này vào Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023);

- Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp cho nam nữ trước khi kết hôn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con; củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt và tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh vô sinh.

- Lồng ghép các nội dung về duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hoá gia đình trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực hiện chính sách dân số; thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Từ 1/7, trường hợp nào nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu?Từ 1/7, trường hợp nào nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu?

Tuệ Minh

Link nội dung: https://www.thuonghieudoanhnhan.net/de-xuat-phu-nu-sinh-con-thu-2-nghi-thai-san-len-7-thang-duoc-ho-tro-ve-nha-o-xa-hoi-a48769.html