Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình
Mới đây, UBND xã Tam Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh
Lễ bàn giao nhà cho bà Quy trong không gian ấm ấp nghĩa tình.
Hoàn cảnh của người phụ nữ này rất đặc biệt, bà Quy bị tật nguyền, chồng bỏ đi, còn 2 người con của bà Quy cũng tàn tật. Điều đáng nói là ngôi nhà xây dựng đã lâu đến nay xuống cấp trầm trọng, nhưng gia đình bà Quy không có khả năng để tự sửa chữa cải tạo lại ngôi nhà.
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cũng sự hỗ trợ ngày công của các lực lượng chính trị xã hội của địa phương, sau 2 tháng xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành và được bàn giao cho gia đình bà Quy. Tổng giá trị ngôi nhà 155 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng là UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ và số còn do các nhà hảo tâm tài trợ để hoàn thành ngôi nhà.
Trong ngôi nhà mới, gia đình bà Quy vô cùng xúc động, người phụ nữ này không nghĩ rằng có ngày được sống ở nơi ấm áp như thế này. "Gia đình tôi cảm ơn sự giúp đỡ của Nhà nước, và sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp để mẹ con có nơi ở ổn định, không bị giột những ngày mưa rơi, không bị lạnh những ngày rét buốt", bà Quy nói.
Các địa phương tại huyện Quỳ Hợp tổ chức lễ phát động ra quân đợt cao điểm xây dựng, sửa chữa nhà "Đại Đoàn kết" cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở.
Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Dương Hoàng Vũ cho biết, toàn huyện vẫn còn 3.249 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,7%; 5.055 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 165,1%; trong đó, số hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sửa chữa và xây mới nhà ở thuộc các chương trình là 775 nhà. Tổng số nhà được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2023 - 2025 là: 865 nhà, trong đó, xây mới 607 nhà; sửa chữa 258 nhà.
Để giúp người dân, sáng 5/3, Ban Chỉ đạo 1666 huyện Quỳ Hợp tổ chức lễ phát động ra quân đợt cao điểm xây dựng, sửa chữa nhà "Đại Đoàn kết" cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023 - 2025 tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn. Với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, cho đến thời điểm hiện nay, huyện Quỳ Hợp hoàn thành 855 nhà/856 nhà (đạt 99,88%).
Việc phát động đã tạo nên một không khí mạnh mẽ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái tại địa phương này.
Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp khẳng định, có được thành quả này, đó là sự phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, tích cực ủng hộ, giúp đỡ chăm lo cho người nghèo của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, đơn vị và các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn đã chung tay cùng đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp trong suốt thời gian qua.
Đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát
Mới đây, Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về xóa nhà tạm, dột nát vừa ký ban hành Công văn số 06-CV/BCĐ về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An vẫn còn rất nhiều ngôi nhà tạm, dột nát cần được giúp đỡ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh, tính đến ngày 22/5, toàn tỉnh còn 3.291 căn nhà tạm, dột nát chưa được xử lý, trong đó có tới 1.760 căn thuộc diện người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ – chiếm hơn một nửa tổng số còn lại.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, dột nát tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương quyết liệt đôn đốc, tập trung chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị để đưa chương trình về đích đúng hạn (trước ngày 31/7/2025), kịp dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Ban Chỉ đạo tỉnh biểu dương những địa phương có tỷ lệ hoàn thành cao như: Tx.Hoàng Mai (100%), huyện Quỳ Hợp (99,88%), Quế Phong (96,53%), Quỳnh Lưu (96,41%), Kỳ Sơn (95,26%)…
Tuy nhiên, nhiều địa phương triển khai còn chậm, đặc biệt là công tác hỗ trợ người có công. Điển hình như huyện Diễn Châu mới hoàn thành 55,74% tổng số nhà, riêng nhóm người có công chỉ đạt 38,34%; huyện Con Cuông hoàn thành chưa đến 60%, trong đó nhóm người có công chỉ đạt hơn 28%.
Công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát cần được đẩy nhanh để kịp tiến độ.
Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu không hoàn thành đúng tiến độ. Việc hoàn thành chương trình này cũng sẽ là tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá, bố trí cán bộ sau sáp nhập.
Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của cán bộ phụ trách với từng hồ sơ, từng công trình. Công tác nghiệm thu, bàn giao phải được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, minh bạch. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cần trực tiếp đi cơ sở, giám sát tiến độ, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ thực hiện dưới 70%. Đồng thời, báo cáo kết quả về UBMTTQ tỉnh trước ngày 31/5.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật, tổng hợp tiến độ, kịp thời đề xuất văn bản đôn đốc nếu địa phương chậm tiến độ. Nếu phát sinh vướng mắc, các huyện phải chủ động báo cáo để kịp thời tháo gỡ, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về xóa nhà tạm, dột nát cho biết: "Thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi các địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Chúng tôi yêu cầu các địa phương cam kết hoàn thành đúng tiến độ, ưu tiên hỗ trợ trước cho nhóm người có công, thân nhân liệt sĩ và các hộ nghèo đặc biệt khó khăn".
Link nội dung: https://www.thuonghieudoanhnhan.net/nghe-an-tang-toc-xoa-nha-tam-quyet-ve-dich-truoc-thoi-han-a48706.html