Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!

Nhiều đối tượng đã lợi dụng Telegram để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo tinh vi như chiếm quyền tài khoản, giả mạo đầu tư tài chính, môi giới mại dâm và tổ chức đánh bạc, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò núp bóng nền tảng này.

Chiếm quyền điều khiển tài khoản để lừa đảo người thân

Thủ đoạn: Giả mạo thông báo từ Telegram hoặc các tổ chức để dụ người dùng bấm vào đường link lạ, sau đó chiếm quyền điều khiển tài khoản.

 Người phụ nữ mất 2 tỉ đồng sau tin nhắn từ tài khoản Telegram lạ 

Ngày 20/9/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.P (SN 1984, trú phường Ka Long, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) về việc bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản bằng phương thức chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram.

Theo đó, khoảng giữa tháng 8/2024, chị P nhận được tin nhắn từ 01 tài khoản Telegram với nội dung: "Hệ thống sẽ phát hiện xem tài khoản của bạn có đăng nhập từ xa hay không. Vui lòng nhấp vào trang web chính chức để liên kết lại điện thoại di động của bạn với đường link http://bright888.net.

Do thiếu cảnh giác, chị P đã truy cập vào đường link trên. Đến ngày 08/08/2024, anh D (SN 1996, trú Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) liên hệ với chị P qua Telegram để chuyển trả cho chị 2 tỷ đồng. Chị P nhắn tin bằng Telegram cho anh D số tài khoản của mình để anh D chuyển tiền.

Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!- Ảnh 1.

Chị D.T.P trình báo vụ việc tại Phòng Cảnh sát hình sự

Sau khi anh D chuyển tiền và gửi ảnh chụp màn hình kết quả, chị P phát hiện ra tài khoản nhận tiền lại là một tài khoản thuộc ngân hàng khác nên đã cùng anh D kiểm tra lại tin nhắn. Kết quả phát hiện tin nhắn mà anh D nhận được ở Telegram không phải số tài khoản mà chị đã gửi, thay vào đó là một số tài khoản khác.

Lúc này, chị P mới biết mình bị các đối tượng xấu chiếm quyền tài khoản Telegram và theo dõi các cuộc nói chuyện, sau đó can thiệp, thay đổi số tài khoản nhận tiền mà chị P gửi cho a D thành số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, đây là phương thức lừa đảo trực tuyến mới, chưa từng ghi nhận tại địa phương này. Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn mới này; tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP và các thông tin khác theo yêu cầu của các đối tượng để tránh bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo đầu tư tài chính qua nhóm Telegram

 Mất 600 triệu vì tin vào nhóm đầu tư trên Telegram 

Ngày 10/1/2025, Phòng Cảnh sát hình sự mới đây tiếp nhận đơn trình báo của bà T.T.H, 56 tuổi, trú tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (thông tin của nạn nhân đã được thay đổi) về việc bà bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng bằng thủ đoạn mời gọi đầu tư trực tuyến.

Theo đó, khoảng giữa tháng 12/2024, bà nhận được tin nhắn mời tham gia vào một nhóm đầu tư tiền ảo trên ứng dụng Telegram. Sau khi bà H đồng ý tham gia, bà đọc thấy trong nhóm có nhiều tin nhắn của những "nhà đầu tư" khác chia sẻ việc nhận được tiền lãi cao, giải ngân nhanh chóng và có thể rút tiền bất cứ lúc nào nên đã nhắn vào nhóm hỏi cách thức đầu tư.

Ngay sau đó, một tài khoản nhắn tin cho bà H tự giới thiệu là tư vấn viên của sàn giao dịch Bitget trụ sở tại Việt Nam đồng thời gửi cho bà H một đường link và hướng dẫn cho bà H truy cập để tải app Bitget trên điện thoại di động, cách thức mở tài khoản và nói sẽ có người chỉ dẫn đầu tư thế nào cho hiệu quả. Tin tưởng, bà H làm theo hướng dẫn. 

Sau khi mở tài khoản thành công, một tài khoản Telegram khác nhắn tin hướng dẫn bà H đầu tư vào một số mã tiền ảo nói là sẽ có lợi nhuận cao. Tin lời các đối tượng, từ ngày 20 đến ngày 28/12/2024, bà H nhiều lần chuyển tiền để đầu tư theo hướng dẫn với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. 

Đầu tháng 1/2025, do cần tiền chi tiêu Tết nên bà H làm thủ tục rút tiền thì thấy tài khoản bị khóa, kiểm tra nhóm đầu tư trên Telegram thì thấy nhóm không còn tồn tại, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà H đã đến trình báo tại Cơ quan Công an.

 Tạo hàng loạt Telegram "doanh nhân thành đạt", lừa đảo gần 99 tỷ đồng 

Trước đó, ngày 11/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hữu Đạt (SN 1999, quê Bình Định) cùng 34 đồng phạm về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" và tội "Rửa tiền". Đường dây lừa đảo do bị can "9X" này điều hành đã chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng của 367 nhà đầu tư trên khắp cả nước.ng tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Riêng Đạt bị truy tố thêm tội Rửa tiền.

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2021, Đạt đến TP HCM tham gia đầu tư các sàn nhị phân trên Telegram nhưng bị lừa mất sạch tiền. Sau đó, anh ta làm môi giới nhà đầu tư để được hưởng hoa hồng. Quá trình làm việc, Đạt nhận thấy nhiều người muốn hưởng lợi nhanh chóng khi tham gia đầu tư nên nảy sinh ý định phạm tội.

Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!- Ảnh 2.

Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!- Ảnh 3.

Các tài khoản ảo và các nhóm VIP do các đối tượng tạo lập ra để lừa đảo.

Đạt lập các sàn nhị phân quốc tế như: ICM, Broker, In Broker, Hollmann... rồi sử dụng Telegram đưa ra các thông tin giả, huy động vốn các nhà đầu tư để chiếm đoạt. Đạt giao cho Lê Cao Phúc (24 tuổi) mua số lượng lớn sim để tạo tài khoản Telegram. Với các tài khoản, Đạt yêu cầu đồng phạm phải lấy ảnh những người trung niên, ăn mặc sang trọng trên mạng làm ảnh đại điện để các nhà đầu tư tin đây là những người thành công.

Họ tạo lập khoảng 10.000 nhóm Telegram và 150 nhóm VIP đặt tên "đầu tư thu lãi 4 - 10% mỗi ngày"; "đầu tư thu lợi nhuận cùng ban chuyên gia"; "VIP siêu lợi nhuận"... Các đồng phạm dùng tài khoản ảo nhắm đến các nhà đầu tư đăng ký Telegram ít nhất một năm, trên 35 tuổi và có khả năng tài chính cao.

Sau đó, Đạt chỉ đạo những người làm việc cho mình giới thiệu với nhà đầu tư cách thức tham gia đầu tư ủy thác cho "Ban chuyên gia" (góp vốn với tỷ lệ phía Đạt là 60%, khách hàng 40%). Các nhà đầu tư sẽ được trả lãi sau mỗi phiên giao dịch.

Cụ thể, với gói 3.000- 3.600 USD, nhóm Đạt trả lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư hai lần mỗi ngày, mỗi lần từ 1,6 đến 3,2 triệu đồng. Riêng gói đầu tư VIP từ 20.000 USD sẽ được trả lợi nhuận 6 lần mỗi ngày, mỗi lần 45 triệu đồng... và cam đoan hai ngày hoàn vốn.

Khi tiền được nhà đầu tư chuyển vào tài khoản, Đạt chỉ đạo các đồng phạm chuyển lại phần lợi nhuận như cam kết. Với gói VIP, nhóm Đạt trả lợi nhuận 1-5 ngày. Những người tiếp tục đầu tư tiền, Đạt sẽ trả thêm một hai ngày nữa.

Sau đó, nhóm Đạt sẽ thông báo cho nhà đầu tư rằng "Ban chuyên gia" đã đặt cược thua hết tiền, kèm theo hình ảnh bảng kết quả đặt cược các phiên trong ngày. Khi nhà đầu tư thắc mắc, các bị cáo dùng tài khoản ảo thực hiện "màn kịch" thay nhau cãi vã, trách móc "Ban chuyên gia", rồi xin lỗi hứa hẹn. Lúc này, Đạt lộ diện nhắn riêng an ủi nhà đầu tư để họ tin tưởng việc mất tiền là ngoài ý muốn.

Cơ quan điều tra xác định, từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 6/2022, nhóm Đạt đã chiếm đoạt 98 tỷ đồng của 376 nhà đầu tư khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tiền này Đạt dùng trả lương cho các đồng phạm, thuê địa điểm, sắm thiết bị và đầu tư kinh doanh bất động sản, quán ăn nhưng thua lỗ.

Lừa đảo môi giới mại dâm

Thủ đoạn của các đối tượng là dùng Telegram để đăng tin gái mại dâm, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc. Sau khi nhận tiền, các đối tượng cắt liên lạc.

 Lập 50 nhóm Telegram để lừa đảo môi giới mại dâm, chiếm đoạt hàng tỷ đồng 

Tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Nam Định vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với 2 đối tượng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hai bị can gồm: Nguyễn Văn Anh (SN 2001) và Nguyễn Xuân Hà (SN 2000, cùng trú tại thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).

Trước đó, tháng 4/2024, qua trinh sát trên không gian mạng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Nam Định phát hiện nhiều nhóm telegram gái gọi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, xác minh, Công an thành phố Nam Định xác định những nhóm telegram này được tạo lập bởi Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Xuân Hà.

Theo phân chia nhiệm vụ, Nguyễn Xuân Hà lấy những hình ảnh gợi cảm của gái bán dâm trên mạng đăng tải lên các nhóm gái gọi kèm lời giới thiệu rất hấp dẫn về số đo 3 vòng, chiều cao, cân nặng.

Khi có khách nhắn tin, Nguyễn Văn Anh có nhiệm vụ trả lời, giao dịch giá cả. Nếu khách đã chọn được "hàng", Nguyễn Văn Anh yêu cầu khách chuyển khoản tiền đặt cọc cho các loại phí về đặt book nhân viên, tiền taxi cho nhân viên, đặt cọc để đảm bảo. Sau đó, 2 đối tượng xóa toàn bộ tin nhắn giao dịch, chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách.

Ngày 02/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Nam Định đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Xuân Hà. Ngày 10/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Xuân Hà về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận, từ tháng 9/2023 đến nay, đã tạo lập hơn 50 nhóm telegram Gái Gọi, Checker trong toàn quốc với hơn 25.000 thành viên, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều nạn nhân trong toàn quốc. 

Chủ nhóm kín 'Lan Quế Phường' điều hành 'hệ sinh thái' hơn 14.000 thành viên và 300 gái bán dâm

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trương Anh Tuấn (40 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi; chỗ ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi môi giới mại dâm, quy định tại điều 328 Bộ luật Hình sự.

"Nghi phạm sử dụng nick ảo, sim rác nhằm qua mắt cơ quan chức năng nhưng đã bị phát hiện và xử lý" - nguồn tin cho biết thêm.

Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!- Ảnh 4.

Nhóm kín hoạt động môi giới mại dâm

Theo Công an Đà Nẵng, Phòng cảnh sát hình sự cùng Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp, nắm tình hình trên không gian mạng, qua đó phát hiện nhiều hội nhóm kín trên Telegram có dấu hiệu hoạt động môi giới mại dâm tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng cảnh sát hình sự, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định Nguyễn Trương Anh Tuấn là nghi phạm chủ mưu, cầm đầu, điều hành một đường dây hoạt động môi giới mại dâm tại Đà Nẵng.

Bước đầu xác định, thông qua Telegram, Tuấn đã tạo lập một "hệ sinh thái" gồm nhiều trang, hội nhóm kín như: "Lan Quế Phường Đà Nẵng, Lan Quế Phường trò chuyện, List hot Lan Quế Phường, Chợ tình Đà Nẵng…" để đăng hình quảng bá gái bán dâm (do gái bán dâm cung cấp) nhằm mục đích tương tác, "chào hàng" với những người có nhu cầu mua dâm; thực hiện hành vi môi giới mại dâm để thu lợi bất chính, thu hút hàng ngàn người, tài khoản tham gia.

Qua đấu tranh, Tuấn khai đã tạo lập nhóm Telegram "Lan Quế Phường" hoạt động từ năm 2022 đến nay, với tổng cộng 14.611 thành viên tham gia.

Quá trình hoạt động Tuấn đã kết nối, chiêu mộ, quy tụ được hơn 300 người là gái bán dâm để hoạt động bán dâm trong đường dây này. Số tiền bán dâm mỗi lượt dao động từ 500.000 - 5 triệu đồng.

Số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động môi giới mại dâm Tuấn thu bằng hình thức thu tiền hằng tháng đối với từng gái bán dâm với số tiền từ 500.000 - 2 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2022 đến nay, số tiền giao dịch liên quan đến hoạt động mua bán dâm phát sinh trên nhóm "Lan Quế Phường" lên đến hàng chục tỉ đồng, qua đó Tuấn thu lợi hàng tỉ đồng từ hoạt động môi giới mại dâm.

Gần đây nhất, Công an phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của anh M. (SN 1995, trú tại Hà Cầu) về việc bị lừa mất số tiền lớn. Cụ thể, khi lên Telegram tìm "gái gọi", anh M. bị một đối tượng dụ dỗ nạp tiền vào để làm "thẻ VIP" cho các dịch vụ "vui vẻ". Do mất cảnh giác, anh M. đã nhiều lần nạp tiền theo hướng dẫn của đối tượng mà không thể rút ra được. Đến khi số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng, anh M. mới nhận ra bị lừa và trình báo công an.

Một mánh khóe tinh vi hơn là việc các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng hoặc nhóm "chống lừa đảo". Sau khi nạn nhân bị lừa, một tài khoản khác sẽ nhắn tin với nội dung như: "Chúng tôi có thể giúp bạn lấy lại tiền", yêu cầu cung cấp thêm thông tin cá nhân và nộp một khoản phí "xử lý hồ sơ". Đây thực chất chỉ là một bước tiếp theo trong chuỗi lừa đảo, khiến nạn nhân "mất thêm" sau khi đã "mất trước".

Tổ chức đánh bạc, lô đề qua Telegram

 Phá đường dây lô đề 50 tỉ nhắn tin qua Telegram     

Ngày 27/3/2024, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với hơn 50 CBCS Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Công an các địa phương liên quan tổ chức 10 tổ công tác đồng loạt tấn công các tụ điểm tổ chức đánh bạc đã được xác định trong chuyên án tại các địa bàn thuộc thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An).

Qua đó, lực lượng Công an phát hiện bắt quả tang 10 đối tượng có hành vi tổ chức cá cược lô đề thắng thua bằng tiền. Tang vật tạm giữ 19 ĐTDĐ và nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan. Tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án, các tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự tổ chức xác minh, đấu tranh làm rõ thêm 11 đối tượng tham gia đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

Những cú lừa tiền tỷ, mất trắng "gia sản" trên Telegram chỉ sau 1 tin nhắn lạ: Công an liên tục đưa ra khuyến cáo!- Ảnh 5.

Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Loan.

Bước đầu xác định, Nguyễn Thị Ngọc Loan (SN 1987, trú phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn) đóng vai trò cầm đầu trong đường dây tổ chức đánh bạc, tổ chức cá cược lô đề, bắt đầu ghi bán lô đề từ khoảng tháng 10/2023 đến khi bị phát hiện. Trong đường dây do Loan tổ chức có phân các đại lý cấp 1, cấp 2 từ trên xuống.

Hằng ngày, các đối tượng đại lý cấp dưới sử dụng ĐTDĐ, đăng ký tài khoản Zalo từ sim rác tổ chức tiếp nhận tin nhắn cá cược lô đề cho hơn 50 đối tượng trên địa bàn, sau đó tổng hợp chuyển lên cho các đại lý cấp trên thông qua tin nhắn Zalo hoặc Telegram để hưởng tiền hoa hồng từ 9-10% trên tổng số tiền tịch đề. Sau khi tổng hợp các tịch đề của nhà dưới, Loan chuyển lại cho một đối tượng ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên để hưởng hoa hồng. Trung bình mỗi ngày đường dây cá cược lô đề với tổng số tiền giao dịch tịch đề trên 500 triệu đồng. Tính từ tháng 10/2023 đến khi bị phát hiện, tổng số tiền giao dịch tịch đề của đường dây này trên 50 tỷ đồng.

Trước thực trạng đáng báo động này, các chuyên gia an ninh mạng đưa ra lời khuyên: Người dùng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào chưa được xác minh rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập các đường link lạ gửi qua Telegram, không cung cấp thông tin cá nhân hay đăng nhập vào các trang web không chính thống. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nên nhanh chóng báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Telegram, với tính năng mã hóa mạnh mẽ và không yêu cầu xác minh danh tính chặt chẽ, đang là "mảnh đất" thuận lợi cho tội phạm mạng ẩn náu. Sự tiện lợi của công nghệ nếu không đi kèm với ý thức cảnh giác rất dễ trở thành cái bẫy khiến người dùng phải trả giá đắt.

Do vậy, người dùng cần thận trọng khi tham gia các nhóm trên Telegram, đặc biệt là những nhóm liên quan đến tài chính, việc làm hay dịch vụ nhạy cảm. Mỗi cú nhấp chuột, mỗi lần chuyển tiền nếu không suy nghĩ kỹ đều có thể trở thành một cái bẫy khiến bạn trắng tay.


Link nội dung: https://www.thuonghieudoanhnhan.net/nhung-cu-lua-tien-ty-mat-trang-gia-san-tren-telegram-chi-sau-1-tin-nhan-la-cong-an-lien-tuc-dua-ra-khuyen-cao-a48673.html