2 nhóm cán bộ phải nghỉ việc trước khi kết thúc lộ trình sắp xếp

Trong văn bản số 1814/2025 mới đây, Bộ Nội vụ nêu rõ quy định về điều khoản chuyển tiếp liên quan đến việc giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Căn cứ Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BNV ngày 17/1/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2025/TT-BNV ngày 4/4/2025) hướng dẫn thực hiện. Đến nay, theo đề nghị của một số Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đưa ra các ý kiến. Trong đó tại một số nội dung hướng dẫn cụ thể:

Theo Khoản 9 Mục 2 Công văn 1814/BNV-TCBC năm 2025 quy định:

9. Điều khoản chuyển tiếp

Trong quá trình xây dựng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn chưa giải quyết và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp. Do vậy, tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) đã quy định các đối tượng này thuộc đối tượng áp dụng.

2 nhóm cán bộ phải nghỉ việc trước khi kết thúc lộ trình sắp xếp- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Vì vậy, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) đã quy định các trường hợp này nếu đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP nhưng chưa ban hành quyết định hưởng chính sách hoặc thời điểm nghỉ việc sau ngày 01/01/2025 thì được áp dụng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP)

Theo đó 2 nhóm cán bộ công chức viên chức phải nghỉ việc trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp bao gồm:

- Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn chưa giải quyết.

- Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Những trường hợp nào không được nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178?

Bộ Nội vụ mới ban hành công văn hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 178, Nghị định 67 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức... trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trong hướng dẫn này, Bộ Nội vụ cũng nêu các trường hợp không được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể:

+Cán bộ quản lý không thuộc diện sắp xếp trực tiếp; nếu cơ quan, đơn vị của họ không trực tiếp bị sắp xếp lại, dù số lượng cấp phó có thể ít hơn quy định, họ vẫn không thuộc diện được nghỉ hưu trước tuổi.

+Người lao động đã chấm dứt hợp đồng cũ và ký hợp đồng mới sau ngày 15/1/2019, dù hợp đồng cũ của họ có ký trước thời điểm đó thì việc ký lại hợp đồng sau mốc thời gian này sẽ khiến họ không đủ điều kiện hưởng chính sách.

+Người lao động có đủ điều kiện về thâm niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội và không thuộc diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi do tinh gọn bộ máy.

Như vậy, theo hướng dẫn mới nhất, thì những trường hợp trên không thuộc trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, báo Tin tức và Dân tộc)

Link nội dung: https://www.thuonghieudoanhnhan.net/2-nhom-can-bo-phai-nghi-viec-truoc-khi-ket-thuc-lo-trinh-sap-xep-a48106.html